Bài học từ các thương vụ M&A của doanh nghiệp nước ngoài với thương hiệu Việt

Share:

Tính đến nay chưa có bất cứ một số liệu cụ thể, chính xác nào về số lượng thương hiệu Việt bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua lại nhưng lớn nhất đến thời điểm này phải nói tới thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Sabeco. Trước đó, hàng loạt thương hiệu Việt bị cũng bán như bánh kẹo Kinh Đô, băng vệ sinh Diana, Xúc xích Đức Việt, Phở 24h, Highland Coffee…

Thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan cũng từng hợp tác với Tập đoàn đa quốc gia Unilever. Nhưng chỉ vài tháng sau khi liên doanh với Dạ Lan, Colgate thông báo kem đánh răng Dạ Lan có vấn đề, bị khách hàng trả lại. Sau khi Unilever thông báo ngừng phát triển thương hiệu Dạ Lan thì họ đã nắm giữ 70% cổ phần công ty này.

Một số các thương hiệu Việt đã trở thành thành viên của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như bia Huda, Sabeco, X men… Và sau khi đã trở thành doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty này đã báo lỗ dù doanh số liên tục tăng trưởng. Ví dụ như thương hiệu đồ uống Highland Coffee, sau khi chuyển giao cho đối tác Philippines, thương hiệu này dù tăng trưởng doanh số tới 91% nhưng vẫn bị lỗ vài tỷ đồng một năm. Hay Sabeco, một doanh nghiệp nhà nước lợi nhuận tăng liên tục trong 4 năm cho đến trước khi chuyển giao cho tỷ phú người Thái. Tuy nhiên ngay năm đầu tiên tiếp quản, Sabeco báo lỗ.

Thất thu thuế là điều đầu tiên mà Việt Nam bị tác động sau khi các thương hiệu Việt bị bán. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng sẽ được ưu đãi thuế trong vài năm đầu tiên khi chính thức trở thành các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nên chuyện bị hụt ngân sách khi bán đi các thương hiệu cũng là điều tất nhiên. Việc sáp nhập hay mua lại là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập tuy nhiên cần đảm bảo lợi ích của người Việt và nền kinh tế Việt Nam.

Vingroup hợp tác với Masan từ chối lời đề nghị 1 tỷ USD

Vingroup quyết định chuyển giao toàn bộ việc điều hành VinMart, chuỗi VinMart+ và Công ty VinEco sang Tập đoàn Masan. Tập đoàn này quyết định hợp lực với doanh nghiệp nội chứ không hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để cân bằng thị trường bán lẻ trong nước. Dù Tập đoàn SK (Hàn Quốc) muốn đầu tư 1 tỷ USD vào VinCommerce nhưng Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (công ty mẹ của VinCommerce) vẫn từ chối để quyết định bắt tay với Masan nhằm tiếp tục phát triển hệ thống bán lẻ thuần Việt.

Hiện nay thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị chi phối bởi các tập đoàn quốc tế.

Có thể thấy việc Big C hủy hợp đồng cung ứng từ các doanh nghiệp dệt may trong nước là một ví dụ. Các thương hiệu hàng hóa Việt Nam vì nhiều lý do phải nhường chỗ cho các thương hiệu ngoại cũng là vấn đề cần phải bàn khi nói tới chủ đề các thương hiệu lớn của Việt Nam đang trong thời kỳ mua bán sáp nhập. Trong các báo cáo về thương mại, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng đều nhưng trong con số tăng trưởng đó, yếu tố nội lực cho nền kinh tế được đặt lên hàng đầu.

Thực tế, những doanh nghiệp có quyết tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu Việt như Vingroup là không nhiều Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu chúng ta không có chính sách nào để giữ gìn các thương hiệu Việt thì đến một lúc nào đó, những thương hiệu lớn nhất của Việt Nam, vì khó khăn sẽ dần dần bị mua lại bởi các tập đoàn đa quốc gia, các nguồn vốn nước ngoài. Vấn đề này thoạt nhìn có thể thấy nó không ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng lâu dài “sẽ mất nhiều hơn được”.

Công bố mới nhất của Brand Finance cho thấy, thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2019 đã tăng 12 tỷ USD  (lên đến 247 tỷ USD). Khi đánh giá một thương hiệu quốc gia, Brand Finance dùng các chỉ số quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GDP, các yếu tố về môi trường pháp luật, môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, việc đào tạo nguồn nhân lực của đất nước, các chỉ số về du lịch… Ngoài ra, còn một chỉ số khá quan trọng là sức mạnh thương hiệu của các công ty. Tuy nhiên, chỉ số sức mạnh thương hiệu của các công ty Việt Nam thời gian qua hầu như giữ nguyên nên cũng không đóng góp được nhiều cho giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung. Về mặt luật pháp, nếu các thương hiệu bị bán vẫn được niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam thì có thể vẫn được tính là thương hiệu Việt, chỉ khác là chủ sở hữu là người nước ngoài. Những thương hiệu sản phẩm đó được xuất phát từ Việt Nam thì nó vẫn được coi là thương hiệu Việt và vẫn được tính như là đầu vào chỉ số sức mạnh của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ việc các thương hiệu Việt bị mua lại bởi các tập đoàn nước ngoài. Việc mua bán này chỉ giải quyết được bài toán ngắn hạn về cân đối vốn, về lâu dài Nhà nước sẽ mất đi nguồn thu trực tiếp từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân sách thụ hưởng sau này.

Ngoài ra, còn một hệ lụy nữa là việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp đó sẽ gặp khó khăn. Nhiều công ty nước ngoài tìm nhiều cách để trốn thuế, khi đã mua lại các công ty Việt, họ được quyền làm các động tác về giấy tờ, sổ sách, khả năng thu được các nguồn thuế sẽ bị giảm đáng kể. Trong khi đó, khả năng quản lý của các doanh nghiệp trong nước kém hơn so với nước ngoài.

Bên cạnh đó việc mua bán, sáp nhập này có thể ảnh hưởng đến nền sản xuất của Việt Nam. Ví dụ, các nguồn nguyên vật liệu đầu vào, trước đây, có thể lấy từ các nhà cung cấp Việt Nam nhưng các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thay đổi các nhà cung cấp, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến cả một chuỗi cung ứng trong dài hạn. Vì các công ty này thường đặt mục tiêu lợi nhuận của họ lên hàng đầu. 

Tuy nhiên, việc bán thương hiệu Việt cho các tập đoàn quốc tế có thể được coi là một thành công của ông chủ Việt vì họ nhận ra rằng, cuộc chiến trong thị trường này rất cam go, không thể tự mình gồng gánh được. Đây cũng chính là vấn đề đối với các doanh nghiệp Việt, đa phần đều thiếu tư duy chiến lược dài hạn. Trong khi đó ở nước ngoài, một công ty sẽ được giữ gìn, chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và tạo nên những thương hiệu mang chỉ dấu quốc gia rất rõ ràng.

Nếu nhìn từ góc độ tích cực thì những cuộc mua bán thương hiệu có thể thúc đẩy các công ty tư nhân khác chú tâm để xây dựng thương hiệu tốt hơn, để bán được với giá tốt. Nhưng nếu nhìn theo một góc khác sẽ thấy, khi đã bán đi rồi thì không còn khai thác được gì nữa, mọi quyền lợi sau đó sẽ thuộc về nước ngoài, chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Đặc biệt, khi đã bán đi thương hiệu mình đã khổ công xây dựng thì sẽ rất khó để có thể xây dựng được một thương hiệu khác thành công tương tự.

Xây thương hiệu thành công để bán, rồi lại xây thương hiệu mới là một sai lầm vì không dễ gì để có thể xây dựng được một thương hiệu lớn. Bởi thời điểm trước đây, thị trường còn rất mới nên cơ hội để vươn lên rất dễ, nhưng thời điểm này đã khác rất nhiều và khó khăn hơn rất nhiều nên cần phải gìn giữ những thương hiệu mà Việt Nam đã xây dựng được.

 

Scroll to Top