Những năm gần đây, Netflix đã đạt được nhiều thành công lớn trong mảng dịch vụ giải trí trực tuyến. Doanh thu của Netflix đã tăng 183% từ năm 2016 đến năm 2020, đạt gần 25 tỷ đô la vào cuối năm 2020. Tương tự đối với lượng người đăng ký, đến năm 2020, Netflix đã vượt qua 200 triệu người đăng ký trả phí, nhiều hơn bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến nào khác. Không nhiều doanh nghiệp trên thế giới có thế đạt được kết quả này, chiến lược marketing của thương hiệu này ẩn chứa những bài học tuyệt vời cho mọi doanh nghiệp đang nỗ lực vươn lên.

Marketing theo hướng dữ liệu
Netflix hoạt động chủ yếu dựa trên những dữ liệu thu thập được từ người dùng. Họ không đơn thuần thu thập dữ liệu để tạo ra các chương trình có nhiều lượt xem hơn và hấp dẫn hơn đối với khán giả.
Hầu hết các công ty hay tập đoàn lớn đều đã và đang ứng dụng phân tích dữ liệu khách hàng trong việc làm thương hiệu tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp đạt được thành công như Netflix. Một trong những bước tiến đột phá của Netflix là sử dụng Trí tuệ nhân tạo AI (Artificial Intelligence) để khám phá các khía cạnh mới về hành vi của người dùng, và đưa ra các quyết định tiếp thị chiến lược.
Ví dụ, giả sử dữ liệu thu được cho thấy những người xem ít hơn 15 giờ nội dung trong một tháng có khả năng cao bị hủy tài khoản của họ, Netflix sẽ tìm ra những chương trình và video có thể thu hút được những người dùng này. Ứng dụng sẽ tự động gửi email tiếp thị, thông báo trong ứng dụng hoặc lời nhắc chương trình yêu thích. Tất cả đều được thiết kế để tăng mức độ tương tác của người dùng trên nền tảng. Bằng cách này, Netflix có thể giảm xác suất mất người dùng trả phí.
Chia sẻ nội dung với khách hàng
Netflix cho phép khách hàng có thể xem một số các chương trình Netflix mà không cần đăng ký dịch vụ, khi đó khách hàng có thể cảm nhận rõ nội dung thực tế và dịch vụ mà họ nhận được. Chiến lược này thực tế không làm ảnh hưởng đến doanh thu của Netflix. Việc chiếu video miễn phí đem lại cho Netflix hơn 2 triệu người đăng ký trên kênh Youtube, và 100 nghìn lượt xem từ các video trên IG-tv. Do đó, họ không cần phải đầu tư nhiều vào việc quảng cáo một chương trình mới.

Netflix phát trực tuyến chương trình Netflix Patriot Act không chỉ trên trang web của Netflix mà còn trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube và Instagram. Patriot Act là một chương trình nâng cao nhận thức xã hội. Chương trình không chỉ mang lại những lượt đăng ký trả phí tiềm năng cho Netflix mà còn xây dựng thiện chí xã hội với người xem.
Chiến lược sản phẩm linh hoạt
Đến cuối năm 2020, Netflix có khoảng 4,6 triệu người đăng ký trả phí ở Ấn Độ. Netflix cung cấp một sản phẩm đặc biệt dành riêng cho thị trường này. Netflix đã tung ra gói dịch vụ xem chỉ dành cho thiết bị di động ở Ấn Độ, rẻ hơn 60% so với gói rẻ nhất hiện có ở quốc gia này. Gói này có giá 199 INR hoặc 2,72 đô la mỗi tháng.
Trên thực tế, thị phần thiết bị di động ở Ấn Độ là khoảng 76% trong khi đó chỉ là 22% đối với máy tính để bàn. Do đó, những người sử dụng dịch vụ chỉ dành cho thiết bị di động là khá nhiều. Việc tung ra gói sản phẩm này đã giúp Netflix có thêm được một lượng lớn người đăng ký từ thị trường Ấn Độ.
Các thương hiệu có thể học từ Netflix bằng cách thường xuyên cập nhật dữ liệu người dùng và dữ liệu thị trường để tìm ra cơ hội và chiến lược marketing hiệu quả nhất.
Thấu hiểu tâm lý và hành vi của người dùng
Người tiêu dùng thường có cảm giác không chắc chắn khi quyết định đăng ký một dịch vụ hoặc mua một sản phẩm. Thấu hiểu được tâm lý này Netflix cho phép người dùng gia hạn dịch vụ theo tháng và có thể hủy bỏ dịch vụ bất cứ lúc nào.
Netflix quảng cáo rằng người dùng có thể hủy đăng ký vô cùng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong hai cú nhấp chuột và hoàn toàn không mất thêm khoản phí nào. Những quảng cáo của Netflix về tính năng này mang lại cho người dùng cảm giác quyền quyết định luôn nằm trong tay mình. Khách hàng qua đó cũng có những trải nghiệm tốt hơn đối với sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Ngoài ra Netflix nhận thấy rằng khách hàng thường gặp khó khăn khi phải phân vân giữa các lựa chọn. Việc có ít lựa chọn đương nhiên dễ dàng để lựa chọn hơn. Việc có quá nhiều lựa chọn khiến người dùng bị rối và lo sợ đưa ra một quyết định sai lầm.
Netflix đưa ra 3 mức đăng ký theo tháng bao gồm basic, standard và premium để loại bỏ đi rào cản đưa ra quyết định của khách hàng và giúp họ dễ dàng trải nghiệm sản phẩm.
Doanh nghiệp nên ứng dụng chiến lược này như thế nào?
Dịch vụ đăng ký định kỳ không chỉ giới hạn cho các doanh nghiệp chỉ sử dụng phần mềm hoặc kỹ thuật số, nhưng nó cũng không dành cho mọi mặt hàng sản phẩm. Doanh nghiệp có thể theo đuổi hình thức kinh doanh này bằng cách lựa chọn từ 2 đến 3 sản phẩm, gộp chung lại và tạo một hình thức đăng ký theo tháng cho gói sản phẩm hoặc dịch vụ. Khi đã lựa chọn xong, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi:
- Chi phí của sản phẩm có làm giảm “nỗi đau chi tiêu” của khách hàng hay không?
- Người dùng có quyền tự do lựa chọn để đăng ký và hủy bất cứ lúc nào?
- Gói sản phẩm hay dịch vụ đã đơn giản hóa các lựa chọn cho khách hàng chưa?
Nếu câu trả lời giải quyết được các câu hỏi, đó là một tín hiệu tốt. Các marketer và nhà quản lý doanh nghiệp có thể tận dụng gói sản phẩm hay dịch vụ này để thử nghiệm, chuyển dịch hình thức kinh doanh của mình tương tự như cách Netflix đã làm.