Chiến lược của Starbucks trong cuộc khủng hoảng COVID-19

Trải qua 40 năm phát triển từ một cửa hàng nhỏ tại thành phố Seattle, chuỗi cafe Starbucks hiện đã có mặt tại 64 quốc gia với 23,000 cửa hàng.


Khủng hoảng Covid-19 từ đầu năm 2020 cho đến nay để lại ảnh hưởng không hề nhỏ đến các doanh nghiệp đặc biệt là những công ty ngành dịch vụ bởi chính phủ đa phần các quốc gia trên thế giới thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng này lại không hề làm khó được Starbucks bởi hãng này đã tận dụng chính thời điểm này để tiến xa hơn và tạo sự khác biệt lớn với các đối thủ cạnh tranh.

Kevin Johnson, giám đốc điều hành của Starbucks, đã thảo luận về chủ đề này trong cuộc họp hàng quý với các cổ đông. Và mặc dù doanh thu của công ty giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái, ông vẫn lạc quan về kế hoạch dài hạn. Ông cho rằng trong mọi ngành, có những giai đoạn khó khăn tạo ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp thích ứng với những khó khăn ấy và củng cố sự khác biệt cũng như lợi thế cạnh tranh của thương hiệu. Covid-19 là một trong những cơ hội như vậy để Starbuck có một bước tiến xa hơn trong việc phát triển thương hiệu.

 

Starbucks dẫn đầu trong thanh toán trực tuyến

Starbucks là công ty dẫn đầu xu hướng thanh toán trực tuyến với ứng dụng cho phép người dùng đặt hàng, thanh toán online mà không cần xếp hàng dài chờ đợi được phát hành vào năm 2011. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, bước tiến công nghệ này đã trở thành lợi thế cạnh tranh cho Starbucks. Các điểm chạm kỹ thuật số (Digital touchpoints) như đơn đặt hàng trên thiết bị di động và chương trình khách hàng thân thiết Starbucks Rewards đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ​​mức độ tương tác và nhu cầu của khách hàng đầu năm 2020 và là trọng tâm của các nỗ lực tạo sự khác biệt. Sự tích hợp các điểm chạm tại cửa hàng và trên nền tảng số tạo nên một trải nghiệm xuyên suốt cho khách hàng của Starbucks đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sự tiện lợi trong mua sắm.

 

 

Chỉ riêng trong quý 3 năm 2020, có tới 3 triệu lượt tải về ứng dụng Starbucks tăng 17% so với quý 2 cùng năm. Đại diện của Starbucks cho biết gần 90% doanh số bán hàng trong Quý 3 năm 2020 đến từ hình thức drive-through (khách hàng có thể mua trực tiếp ngay trên xe của mình) và đặt hàng qua điện thoại di động. Dịch vụ giao hàng tận nhà cũng trở thành một lợi thế cho công ty trong thời kỳ đại dịch. 

 

CEO của Starbucks cho rằng kết quả này cho thấy khách hàng đang điều chỉnh thói quen của họ và Starbucks có một vị thế thuận lợi để tiếp tục phát triển qua việc nâng cấp trải nghiệm an toàn, quen thuộc và thuận tiện mà khách hàng mong muốn. 

 

 

Nhiều chuyên gia cho rằng Covid-19 đã tạo nên một cuộc sàng lọc. Những doanh nghiệp có giá trị cốt lõi vững chắc sẽ tồn tại qua mọi khó khăn mà Starbucks chính là một minh chứng. Các thương hiệu tại Việt Nam có thể học hỏi từ chiến lược này của Starbucks để phát triển bền vững, đứng vững trước khó khăn, và định vị thương hiệu của mình trong tâm trí khách hàng.